Lấy lại vị thế cây mía

Giá mía đường đang tăng dần lên sau thời gian dài hạ giá. Nông dân Phú Yên theo đó đang chú trọng quay lại đầu tư cho cây mía. Ngành chức năng cũng đang triển khai các giải pháp đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là đầu tư mở rộng diện tích mía chủ động tưới tiêu.

Khôi phục diện tích

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, mía là cây trồng chủ lực của tỉnh, mang lại thu nhập ổn định cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn của tỉnh. Tổng diện tích mía toàn tỉnh tính đến tháng 6/2021 là khoảng 22.000ha, năng suất bình quân khoảng 57,4 tấn/ha. Vùng nguyên liệu chủ yếu ở huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân, Tuy An, Tây Hòa và Phú Hòa.

Hiện nay, nhiều vùng mía trọng điểm tại Phú Yên người dân đang chú trọng đầu tư thâm canh, mở rộng trở lại diện tích mía. Ảnh: Hoài Nam.

 

Cùng với việc giá mía nguyên liệu giảm sâu, những năm gần đây, diện tích mía trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm dần từ 27.949ha (năm 2017) còn 21.601ha (năm 2020). Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (đặc biệt là hạn hán năm 2019) và diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 từ năm 2020 đến nay cũng là nguyên nhân không nhỏ khiến diện tích mía giảm. Tuy nhiên, cây mía của Phú Yên hiện vẫn đảm bảo diện tích đã quy hoạch, cung cấp đủ nguyên liệu cho các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh.

Xã Xuân Quang 1 là vùng trồng mía lớn nhất của huyện Đồng Xuân. Những năm gần đây, nhiều nông dân đã chuyển mía sang trồng keo. Là người trồng mía lâu năm ở thôn Kỳ Lộ (xã Xuân Quang 1), ông Bùi Văn Thức chia sẻ: Gần 20 năm qua tôi đã “theo” cây mía nhưng, nhưng năm rồi, tôi đành phải bỏ mía “theo” keo. Vì có năm nắng hạn, đám mía chết xung quanh bờ, cuối vụ chỉ còn lởm ở giữa. Vùng trồng mía không có nước tưới, mà không có nguồn nước thì không thể bảo đảm năng suất.

Bà Nguyễn Thị Trúc Mai, Phó Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân cho biết: Mía là cây trồng chủ lực của huyện, thế nhưng những năm gần đây diện tích trồng mía giảm. Niên vụ mía 2021 – 2022, nông dân toàn huyện trồng mới và lưu gốc 1.597,5ha (theo kế hoạch là 2.000ha). Niên vụ 2020 – 2021, nông dân đã thu hoạch hơn 1.000ha mía, năng suất đạt 50 tấn/ha.

Nhiều nông dân đã đầu tư tưới tiết kiệm cho cây mía. Ảnh: Hoài Nam.

 

Huyện Sơn Hòa là vùng nguyên liệụ mía đường lớn nhất tỉnh. Niên vụ 2020 – 2021, toàn huyện trồng trên 9.600ha. Ông Ralan Thu ở thôn Tân Hiên (xã Sơn Phước) cho hay: Gia đình có hơn 5ha trồng mía đã 20 năm nay. Cây mía là cây chủ lực của người dân Sơn Phước vì có nhà máy đường bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ bà con ngay tại địa phương.

Tuy nhiên, thời điểm từ 2017 đến 2019, giá mía rớt liên tục, 1ha thu hoạch khoảng 65 tấn mía chỉ bán được khoảng 45 triệu đồng, trừ chi phí chỉ hòa vốn. Những năm thời tiết nắng hạn, đặc biệt vào năm 2019, nhiều khu vực chỉ đạt 60% năng suất nên rất nhiều nông dân thua lỗ, nợ nần, phải bỏ mía, chuyển hướng trồng các loại nông sản khác.

Theo ông Phạm Đình Phụng, Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, niên vụ 2017 – 2018, diện tích trồng mía toàn huyện lên đến 16.000 ha, nhiều gia đình giàu lên nhờ mía. Thế nhưng bước sang giai đoạn 2018 – 2019, giá đường trong nước rớt mạnh khiến nhà máy đường chỉ thu mua với giá 700.000 – 750.000 đồng/tấn.

Với giá này, nông dân không có lãi, thậm chí thua lỗ. Giai đoạn này, nắng hạn cũng khiến năng suất mía thấp, nông dân không mặn mà trồng mía nên diện tích giảm xuống chỉ còn khoảng 8.000ha. Niên vụ 2020 – 2021, giá mía tăng so với trước, giá mía mua tại ruộng 1.040 đồng/kg nên nông dân toàn huyện trồng trên 9.600ha, nhưng vẫn chưa lấy lại được diện tích như trước đây.

Trên 1.000 tỉ đồng đầu tư cho thủy lợi để vực dậy cây mía

Vùng nguyên liệu mía của Phú Yên hiện chủ yếu tập trung ở các vùng gò đồi cao, điều kiện sản xuất còn khó khăn, khó áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh, luân canh, xen canh nên khi mía chín tập trung đồng loạt gây khó khăn cho việc thu hoạch. Hệ thống thủy lợi để sản xuất mía mặt bằng chung toàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Phần lớn diện tích sản xuất mía phụ thuộc nước trời, thời gian xuống giống phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết.

Hiện nay, Phú Yên đang chú trọng khảo nghiệm nhiều giống mía đường mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu tốt. Ảnh: Hoài Nam.

 

Theo ông Trương Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Phú Yên, hàng năm Trung tâm và Viện Nghiên cứu Mía đường cùng các công ty mía đường trên địa bàn tỉnh đã tổ chức khảo nghiệm, du nhập và tuyển chọn các giống mía mới phù hợp với điều kiện canh tác tại địa phương nhằm từng bước thay thế những giống mía cũ đã thoái hóa. Thực hiện những mô hình trình diễn đầu tư thâm canh mía có nước tưới làm cơ sở để nhân rộng như giống LK92-11, Uthong 11, R579, K83-29, KK3… Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh đến nay vẫn chưa nhân rộng vì cơ sở hạ tầng phục vụ việc trồng mía thiếu đồng bộ từ khâu trồng đến khâu thu hoạch.

“Hiện nay giao thông vùng nguyên liệu mía cũng còn nhiều bất cập, người dân còn tốn thêm chi phí vận chuyển mía từ ruộng ra đường từ 20.000 đồng đến 30.000 đồng/tấn. Đây cũng là nguyên nhân làm giảm lợi nhuận của người trồng mía nên khi thấy cây trồng khác có khả năng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, nông dân có thể từ bỏ cây mía”, ông Tuấn nói.

Tại huyện Tây Hòa, vùng trồng mía trải dài từ Hòa Mỹ Tây, Hòa Phú, Sơn Thành Tây… Nông dân thu hoạch dứt điểm niên niên vụ 2020 – 2021 là 337ha, năng suất đạt 5,4 tấn/ha. Ông Nguyễn Dũng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa cho biết: Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình trồng mía có nước tưới với giống KK3, năng suất đạt 75 tấn/ha. Năng suất mía trồng có nước tưới cao hơn mía trồng truyền thống ở địa phương trên 20 tấn/ha, tuy nhiên diện tích có nước tưới khó nhân rộng vì khâu thủy lợi không đáp ứng.

Tỉnh Phú Yên sẽ đầu tư nguồn lực lớn nhằm cải thiện hệ thống thủy lợi phục vụ thâm canh cây mía trong những năm tới. Ảnh: Hoài Nam.

 

Ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết: Vùng nguyên liệu mía chủ yếu ở 3 huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân, một số vùng ở các huyện khác mía trồng vùng gò đồi không có nước tưới nên khó áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh, luân canh, xen canh, làm giảm năng suất.

Hệ thống thủy lợi và giao thông vùng nguyên liệu mía cũng còn nhiều hạn chế. Đó là nguyên nhân khiến người trồng mía khi thấy cây trồng khác có khả năng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn thì từ bỏ cây mía. Để nông dân nông dân phải “sống” với cây mía, cần tăng cường hỗ trợ đầu tư sửa chữa và làm mới đường giao thông, hệ thống thủy lợi. Có biện pháp hữu hiệu để khuyến khích nông dân sử dụng hiệu quả các công trình thủy lợi đã đầu tư tưới nước cho vùng nguyên liệu mía.

Về những khó khăn này, ông Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, UBND tỉnh sẽ có giải pháp cơ sở hạ tầng nội đồng phục vụ tưới tiêu. Tỉnh đã có kế hoạch đầu tư 1.000 tỉ đồng cho thủy lợi phục vụ chuyên canh cây mía và cây trồng khác như: Xây dựng hồ mới, sửa hồ đập, mở rộng diện tích có nước tưới, mang lại thu nhập cao cho người trồng mía.

Original Link: https://nongnghiep.vn/lay-lai-vi-the-cay-mia-d309032.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Call Now