Người nuôi tôm cần làm gì trước, trong và sau khi trời mưa?

Mưa bão là một thách thức đáng kể cho người nuôi tôm. Lượng mưa làm thay đổi nhanh chóng điều kiện ao nuôi và gây ra một chuỗi các sự kiện biến động chất lượng nước, từ đó làm tôm còi cọc kém phát triển.

Biết cách quản lý và ứng phó với lượng mưa có thể giúp ngăn ngừa thiệt hại. Ảnh: thefishsite

Điều quan trọng là phải hiểu rõ những gì có thể xảy ra trong các ao nuôi tôm khi trời mưa bão, những gì cần chuẩn bị và làm thế nào để chống lại các vấn đề đó.Mưa bão là một thách thức đáng kể cho người nuôi tôm. Lượng mưa làm thay đổi nhanh chóng điều kiện ao nuôi và gây ra một chuỗi các sự kiện biến động chất lượng nước, từ đó làm tôm còi cọc kém phát triển. Điều quan trọng là phải hiểu rõ những gì có thể xảy ra trong các ao nuôi tôm khi trời mưa bão, những gì cần chuẩn bị và làm thế nào để chống lại các vấn đề đó.

Điều gì xảy ra với ao tôm?

Mưa thường kéo theo sự giảm nhiệt độ, khoảng 5 đến 6°C. Do tôm hấp thụ thức ăn nhiều hay ít phụ thuộc nhiều vào nhiệt độ, khi nhiệt độ nước ao giảm 1°C thì sự tiêu thụ thức ăn của tôm giảm từ 5 đến 10%. Nước mưa cũng sẽ làm thay đổi các thông số nước quan trọng khác do sự pha loãng nước ao. Điều này sẽ dẫn đến việc giảm độ pH và gây ra sự xáo trộn về độ mặn và độ kiềm, mức độ nhiều hay ít tùy thuộc vào khối lượng nước mưa và các biện pháp quản lý ao hiện có. Khi độ pH và độ kiềm thấp, hoạt động của thực vật phù du và vi khuẩn có lợi sẽ bị gián đoạn. Tương tự, khi độ kiềm giảm, vỏ tôm có thể bị yếu đi do thiếu các khoáng chất cần thiết.

Sự thay đổi nhiệt độ trong ao có thể tác động tiêu cực đến việc tiêu thụ thức ăn. Ảnh: thefishsite

Thiếu ánh sáng mặt trời trong những trận mưa rào cũng có thể làm chậm hoạt động của thực vật phù du. Ánh sáng yếu đi có thể làm gián đoạn quá trình quang hợp của các sinh vật tự dưỡng trong nước và làm giảm nồng độ oxy hòa tan (DO). Độ pH thấp, khoáng chất và hàm lượng DO giảm, kèm theo ít ánh sáng mặt trời hơn sau khi mưa lớn có thể gây ra sự cố cho sinh vật phù du và vi tảo. Nếu điều này xảy ra, thực vật phù du và vi tảo chết có thể làm tăng thêm tải trọng hữu cơ trong ao và làm suy giảm chất lượng nước nghiêm trọng. Khi tải lượng hữu cơ tăng lên, vi khuẩn dị dưỡng hỗ trợ quá trình phân hủy sẽ sinh sôi, nhu cầu oxy sinh học (BOD) có thể tăng lên đáng kể. Nếu không có một sự can thiệp nào đó vào thời điểm này, mức DO có thể giảm hơn nữa.

Khi kết hợp với nhau, những điều kiện bất lợi này có thể làm tôm chậm lớn. Thiếu khoáng chất cần thiết có thể gây ra hiện tượng lột xác sớm ở tôm, dẫn đến phản ứng miễn dịch yếu hơn và vỏ mềm hơn. Môi trường nước DO, pH và nhiệt độ thấp cũng là môi trường lý tưởng cho Vibrio spp. phát triển mạnh, làm tăng nguy cơ lây nhiễm khuẩn cho tôm.

Trong các trang trại nuôi tôm quảng canh với ao đất, không đủ hoặc không có sục khí, mức DO giảm và lượng chất hữu cơ ngày càng tăng có thể kích hoạt sản xuất H2S . Đây là một loại khí độc do vi khuẩn khử sulphat sinh ra và có độc tính cao đối với tôm. Khi tiếp xúc với H2S, ngay cả trong một thời gian ngắn, tôm sẽ bị suy yếu đáng kể và dễ bị nhiễm các bệnh nhiễm trùng khác nhau. Với số lượng cao, H2S có thể gây tử vong hàng loạt cho tôm nuôi.

 Nên làm gì khi trời mưa bão?

Nếu các hộ nuôi hiểu được lượng mưa có thể ảnh hưởng xấu đến các ao nuôi tôm như thế nào – từ sự tích tụ chất hữu cơ dưới đáy ao, sự suy giảm chất lượng nước và sự tăng trưởng chậm lại đáng kể của tôm – thì họ có thể chuẩn bị và đối phó với bất kỳ vấn đề nào phát sinh.

1.Chuẩn bị

  • Theo dõi thời tiết ở khu vực nuôi thường xuyên.
  • Đảm bảo rằng tất cả các thiết bị sục khí, quạt nước đều hoạt động tốt.
  • Đảm bảo trại nuôi có các đường ống thoát nước để nước bề mặt được xả ngoài đúng cách.
  • Có thể cần chuẩn bị sẵn máy phát điện trong trường hợp mất điện do mưa lớn.
Duy trì quạt nước sẽ giúp duy trì chất lượng nước và sức khỏe của tôm. Ảnh: Tepbac

2.Biện pháp đối phó khi trời mưa

  • Đảm bảo tất cả các thiết bị sục khí hoạt động bình thường để duy trì mức DO chấp nhận được, lý tưởng là khi đạt trên 5 ppm.
  • Nếu có thể, hãy xả bớt nước bề mặt để ngăn sự giảm độ mặn.
  • Thường xuyên kiểm tra, theo dõi các thông số chất lượng nước quan trọng, chẳng hạn như DO, pH và độ kiềm.
  • Định kỳ rải vôi CaO, CaCO3 hoặc CaMg(CO3)2 hoặc những xử lý khác để tăng độ kiềm.
  • Giảm tỷ lệ cho ăn, theo dõi điều kiện ao nuôi và điều chỉnh tỷ lệ cho ăn cho phù hợp.

3.Biện pháp sau cơn mưa

  • Đảm bảo duy trì sục khí, quạt nước ổn định.
  • Nếu độ mặn giảm xuống dưới mức tối ưu, hãy thêm nước mặn đã qua xử lý (tùy thuộc vào tình trạng nước ao).
  • Sử dụng chế phẩm sinh học để tăng tốc độ phân hủy và nitrat hóa . Điều này cũng sẽ ức chế sự phát triển của mầm bệnh.
  • Tăng tỷ lệ cho ăn phù hợp với các thông số chính như nhiệt độ, pH và DO.
  • Lấy mẫu nước, kiểm khuẩn và mẫu tôm để phát hiện được bất kỳ hiện tượng xấu nào đã xảy ra.
  • Tạt khoáng để chống lại sự thiếu hụt cho tôm.
  • Hãy thực hiện thói quen làm sạch ao thường xuyên. Hút bùn đáy ao để giảm chất hữu cơ và thực vật phù du chết.
Theo dõi chất lượng nước và lấy mẫu nước sau mưa. Ảnh: thefishsite

Giải pháp ứng dụng công nghệ sáng tạo

Sử dụng cảm biến để đo thông số chất lượng nước. Điều này sẽ cập nhật thường xuyên tình trạng ao nuôi và cung cấp dữ liệu kịp thời cho người nuôi để có những quyết định chính xác nhất. Các cảm biến nước cũng có thể được kết hợp với hệ thống cảnh báo thời tiết để thông báo cho người nuôi về các sự kiện thời tiết trong tương lai, giúp người nuôi chuẩn bị cho những cơn bão sắp đến.

Cập nhật thường xuyên tình trạng ao nuôi và cung cấp dữ liệu kịp thời cho người nuôi. Ảnh: thefishsite

Sau khi mưa, người nuôi có thể sẽ cần thay nước để duy trì độ mặn tối ưu và khuyến khích sự phát triển của hệ vi sinh. Tuy nhiên, nước mặn mới cần phải được xử lý trước khi sử dụng và việc này sẽ mất nhiều thời gian. Các công nghệ thay thế như chiếu xạ UV và công nghệ ozone sẽ cung cấp thời gian xử lý nhanh hơn. Cả hai công nghệ UV và ozon đều khử trùng nước hiệu quả và có thể giảm cả vi khuẩn gây bệnh. Điều này sẽ làm giảm thiểu rủi ro mắc bệnh và mang lại giải pháp nhanh chóng hơn so với các phương pháp xử lý nước khác. Tuy nhiên đây là những cách xử lý đắt tiền và có thể không phù hợp với tất cả các trang trại nuôi tôm.

Mái che có thể là một cách đơn giản hơn để bảo vệ ao nuôi tôm khỏi các tác động bên ngoài. Chúng thường được sử dụng trong các trang trại tuần hoàn và cũng có thể thích nghi với các hoạt động nuôi tôm thông thường. Người sản xuất có thể sử dụng mái che cho các ao nuôi thương phẩm của hoặc che một phần ao xử lý, đảm bảo rằng nước đã qua xử lý không bị loãng do mưa bão. Tuy nhiên, việc xây dựng một mái nhà có thể tốn kém và không phù hợp với các hệ thống sản xuất mật độ cao.

 

Nguồn: thuysan247.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Call Now